Tọa lạc trên ngọn đồi Hà Khê, bên dòng sông Hương thơ mộng, thuộc địa phận phường Kim Long thành phố Huế, chùa Thiên Mụ (hay Linh Mụ) được biết đến như là ngôi cổ tự đẹp nhất cố đô.
LỊCH SỬ RA ĐỜI CHÙA THIÊN MỤ.
Truyền thuyết kể rằng, chúa Nguyễn Hoàng khi còn làm trấn thủ xứ Thuận Hóa (vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) ấp ủ mộng xây dựng giang sơn cơ đồ cho nhà họ Nguyễn. Trong một lần cùng các thuộc hạ cưỡi ngựa rong ruổi xem xét địa thế vùng đất dọc sông Hương ngược về phía thượng nguồn, ông đã phát hiện ra một ngọn đồi nhỏ có địa thế như đầu một con rồng đang ngoảnh lại, mình con rồng chính là dòng sông Hương hiền hòa, thơ mộng.
Chúa Nguyễn Hoàng hỏi thăm người trong vùng thì biết được đây là vùng đất thiêng, trước kia có một cụ bà mặc áo đỏ xuất hiện trên đồi, nói với mọi người “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh“.
Nhận thấy thế đất tốt lại linh thiêng, ông đã cho xây dựng một ngôi chùa, mặt hướng ra dòng hương Giang, và đặt tên nó là Thiên Mụ Tự – tức Chùa Thiên Mụ.

Ý NGHĨA CỦA CÁI TÊN “THIÊN MỤ”.
Chữ “Thiên” ở đây có nghĩa là trời, còn chữ “Mụ” tức là bà già (người Huế – Quảng Trị – Quảng Bình thường gọi các cụ bà là “mụ”). Như vậy Thiên Mụ được hiểu là “bà già ở cõi trời xuống”.
Vào năm 1862, dưới thời vua Tự Đức, vì muốn có con nối dõi tông đường, vua sợ chữ “Thiên” phạm đến trời nên đã cho đổi tên chùa thành “Linh Mụ” – tức là bà mụ linh thiêng.
Ngày nay, chùa Thiên Mụ hoặc Linh Mụ là hai tên gọi phổ biến khi nhắc đến ngôi chùa cổ xưa nhất ở vùng đất Thần Kinh này.
NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN Ở CHÙA THIÊN MỤ.
THÁP PHƯỚC DUYÊN.
Bước chân vào khuôn viên chùa Thiên Mụ, đập vào mắt bạn đầu tiên sẽ là tháp Phước Duyên biểu tượng của chùa. Tháp được xây vào năm 1844, bằng gạch cao 21 mét, gồm có 7 tầng, mỗi tầng đều có thờ tượng phật, tầng thứ 7 của tháp trước đây có thờ tượng phật bằng vàng. Bên trong tháp có một cầu thang xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng.
Các bạn đến đây tham quan chỉ có thể đứng ở ngoài nhìn chứ không thể vào bên trong tháp được, bởi vì tháp luôn đóng cửa, chỉ mở vào những ngày lễ lớn như đại lễ phật đản, hoặc festival Huế mà thôi …

CỔNG TAM QUAN.
Giống như hầu hết chùa chiền truyền thống ở nước ta, chùa Thiên Mụ có cổng Tam quan uy nghiêm dẫn lối vào chùa. Ba lối vào của cổng Tam quan tượng trưng cho “ba cách nhìn” của phật giáo – “giả quan”, “không quan”, và “trung quan”.
– Giả quan – có ý nghĩa xét sự vật đều vô thường. Thể hiện quan điểm vô thường trong giáo lý nhà phật.
– Không quan – mang ý nghĩa xét sự vật đều không có thật tính, thật tướng. Thể hiện tư tưởng về tính không trong Phật giáo.
– Trung quan – có ý nghĩa nhìn nhận sự vật theo hướng trung dung không thiên lệch về bên nào, tả cũng như hữu..
Cổng Tam quan có kiến trúc 2 tầng 8 mái. Phần mái được lợp ngói các góc được trang trí họa tiết hình rồng. Vách được xây bằng gạch, mỗi vách có đắp một bức tượng hộ pháp để trấn giữ cho chùa. Nhìn lên tầng 2 của cổng là nơi thờ chúa Nguyễn Hoàng và bà Thiên Mụ.
Cổng Tam Quan.
ĐIỆN ĐẠI HÙNG.
Là khu chính điện và cũng là gian lớn nhất của chùa Thiên Mụ. Trong lần trùng tu vào năm 1957, hệ thống cột, kèo, bệ của điện đã được thay thế bằng kết cấu bê tông, bên ngoài phủ một lớp sơn giả gỗ. Bên trong điện Đại Hùng thờ tượng phật Di Lặc, đây là bức tượng bằng đồng rất đẹp. Ngoài ra, trong điện còn có một chiếc chuông đồng hình nhật nguyệt, và một bức hoành phi bằng gỗ sơn son thiếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu ngự đề năm 1714.
Điện Đại Hùng.
ĐẠI HỒNG CHUNG – QUẢ CHUÔNG CỔ ĐẸP NHẤT VIỆT NAM Ở CHÙA THIÊN MỤ.
Đại hồng chung được đặt trong ngôi nhà lục giác bên cạnh tháp Phước Duyên. Quả chuông được chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật. Chuông nặng 3.285 kg, cao 2,5 m, đường kính miệng 1,4 m, có hình dáng cân đối; thân chuông được chạm trổ những hoa văn tinh vi, sắc nét với các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo. Năm 2013, Đại hồng chung được công nhận là bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Ngoài ra chùa Thiên Mụ còn có một chiếc chuông đặt ở bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng được đúc vào năm 1815 thời Gia Long.
Bảo vật quốc gia Đại hồng chung
BIA “NGỰ KIẾN THIÊN MỤ TỰ” – BẢO VẬT QUỐC GIA Ở CHÙA THIÊN MỤ.
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ tự” được chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng vào năm 1715 gồm có 2 phần: phần Bia – cao 3,89m, rộng 1,68m, và đế bia có hình rùa đội bia – dài 2,24m, rộng 1,65m, cao 0,66m.
Trên thân bia khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán, nói về việc tôn tạo chùa Thiên Mụ năm 1715. Rùa được tạc từ đá hoa cương nguyên khối, nhìn rất sinh động với đầu ngẩng lên cao, vươn ra ngoài, tổng thể con rùa cân đối hài hòa với chiều cao của bia.
Ngự kiến Thiên Mụ tự
HÒN NON BỘ VÀ XE AUSTIN TRONG KHUÔN VIÊN CHÙA.
Đi dọc theo con đường nhỏ phía bên trái điện Đại Hùng bạn sẽ nhìn thấy một hồ nước nhỏ có hòn non bộ rất đẹp. Được biết đây là món quà từ vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam là Đào Tấn tặng cho chùa.
Kế bên hòn non bộ là căn phòng trưng bày chiếc xe Austin màu xanh – di vật mà cố hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.

ĐIỆN THỜ ĐỊA TẠNG VÀ ĐIỆN QUAN THẾ ÂM.
Nằm ở phía sau điện Đại Hùng, cách một khoảng sân khá rộng với nhiều cây bonsai là điện thờ Địa tạng và điện Quan thế Âm. Cả hai điện hầu như rất hiếm khi mở cửa, nên các bạn chỉ có thể đứng xem từ bên ngoài.

KHU MỘ THÁP CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU TRONG CHÙA THIÊN MỤ.
Nằm ở cuối khuôn viên của chùa Thiên Mụ là khu mộ tháp của cố hòa thượng Thích Đôn Hậu. Ông là người có công lao to lớn cho phong trào chấn hưng phật giáo Việt Nam, đồng thời là trụ trì chùa Thiên Mụ cho đến khi ngài viên tịch (23-4-1992).
Ảnh: @kulbuddhabag.
ĐI CHÙA THIÊN MỤ VÀO THỜI ĐIỂM NÀO THÚ VỊ NHẤT.
Thời điểm lý tưởng nhất để đi tham quan chùa Thiên Mụ cũng như thành phố Huế là vào tháng 1 đến tháng 3, vì lúc này thời tiết ở Huế dễ chịu nhất. Nếu muốn tham quan chùa Thiên Mụ vào những ngày rực rỡ hoa phượng, bạn nên đến vào tháng 5 hoặc 6.
Nếu bạn đến vào buổi chiều, nên nán lại vào khoảng 5h30 – 6h30 để ngắm hoàng hôn trên sông Hương.
Ảnh: @yo.nguyen.
PHƯƠNG TIỆN ĐẾN CHÙA THIÊN MỤ.
Bạn có thể dễ dàng đến chùa Thiên Mụ từ các địa điểm chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền, Đại Nội, bằng taxi, xe máy, grab hoặc xe đạp.
Đi thuyền rồng trên sông Hương xuất phát từ bến thuyền du lịch Tòa Khâm đến chùa cũng là một trải nghiệm thú vị đấy các bạn.
Ngoài ra, bạn có thể chọn đi xích lô, phương tiện rất phổ biến ở thành phố Huế.
Đi thuyền rồng đến chùa Thiên Mụ
Tham khảo tour du lịch Huế tại đây
MỘT VÀI LƯU Ý KHI ĐẾN THĂM CHÙA THIÊN MỤ.
Chùa Thiên Mụ là một nơi trang nghiêm, địa điểm du lịch tâm linh. Bạn nên ăn mặc kín đáo khi đến tham quan vãn cảnh, không nên ăn mặc hở hang.
Các bạn chú ý giữ gìn trật tự, ăn nói nhỏ nhẹ, tránh gây ồn ào, ảnh hưởng đến các nhà sư và việc hành lễ.
Không viết vẽ bậy lên chuông chùa. Thực tế có nhiều du khách cố tình dùng bút xóa để viết, vẽ lên các quả chuông ở chùa trông rất mất thẩm mỹ.
Nguồn: my-clownfish