KINH THÀNH HUẾ – CẢNH ĐẸP Ở HUẾ BẠN KHÔNG THỂ BỎ QUA.
Kinh thành Huế là nơi đóng đô của nhà Nguyễn trong suốt 140 năm, từ 1805 đến 1945. Công trình nguy nga, tráng lệ này đã được vua Gia Long cho xây dựng năm 1805, hoàn thành vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Trong gần 30 năm xây dựng, triều đình đã huy động hàng vạn người tham gia thi công, xử lý hàng triệu mét khối đất đá, đào hào, lấp sông, đắp mộ, đắp thành… Đây thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ.
Kinh thành Huế gồm có 3 vòng thành – Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Vòng thành ngoài cùng (Kinh thành) có chu vi 10 km. Bên ngoài có một hệ thống hào nước bao bọc, bên trong có nhà dân và nhà các quan lại. Vòng thành thứ hai (Hoàng thành) là nơi có các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn, đồng thời là nơi làm việc của nhà vua và các quan. Tử cấm thành là vòng thành trong cùng, đây là nơi sinh hoạt của vua và hoàng triều nhà Nguyễn.
Hoàng thành và Tử cấm thành thường được gọi chung là Đại Nội.
Trong số hàng trăm công trình lớn nhỏ ở khu vực Kinh thành Huế. Bạn đừng quên ghé thăm những cảnh đẹp sau đây nhé.
CỔNG NGỌ MÔN.
Đây là chiếc cổng lớn nhất trong số 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Cổng Ngọ Môn được xây dựng vào năm 1834. Cái tên “Ngọ Môn” có nghĩa là cổng xoay về hướng ngọ. Theo quan niệm xưa là hướng dành cho các bậc vua chúa. Cổng có 5 cửa, trong đó cửa chính giữa để cho vua đi. 2 cửa hai bên dành cho quan lại. 2 cửa ngoài cùng dành cho binh lính theo hầu.
Phía trên là lầu Ngũ Phụng có kết cấu 2 tầng, 9 mái, được dựng bằng gỗ lim. Mái ở giữa lợp ngói vàng, 8 mái còn lại lợp ngói xanh. Nhìn tổng thể cổng Ngọ Môn vừa toát lên được vẻ uy nghiêm, vững chải của bậc đế vương, đồng thời mang vẻ cổ kính, hoài niệm của một di tích trăm tuổi.
Khu vực cổng Ngọ Môn.
ĐIỆN THÁI HÒA – CẢNH ĐẸP Ở HUẾ PHẢI GHÉ THĂM.
Nằm trong khu vực Hoàng thành, điện Thái Hòa được xem là trung tâm điều hành đất nước thời nhà Nguyễn. Điện đẹp nguy nga, tráng lệ, được xây trên nền cao 1 mét, diện tích 1360 m². Kiến trúc cung điện theo lối “trùng thiềm điệp ốc” dùng 80 cây cột gỗ lim để chống đỡ. Mỗi cây cột đều được sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây.
Điện Thái Hòa là nơi thể hiện uy quyền của quốc gia thời nhà Nguyễn, được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng như: Lễ đăng quang, đón tiếp sứ thần nước ngoài, sinh nhật vua, các buổi đại triều được tổ chức vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng…
Vẻ đẹp điện Thái Hòa. (@jonnyrouse)
TỬ CẤM THÀNH.
Tử Cấm thành có vị trí nằm ngay sau lưng điện Thái Hòa, được xây dựng năm 1804 dưới thời vua Gia Long. Đây là nơi sinh hoạt hằng ngày của vua và hoàng gia triều Nguyễn. Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc các loại, tiêu biểu nhất là: Điện Cần Chánh – nơi vua làm việc. Điện Càn Thành – nơi vua ăn ngủ. Điện Khôn Thái – chỗ ở của Hoàng Quý phi. Duyệt Thị đường – nhà hát hoàng cung…
Lối đi ở Từ Cấm Thành Huế
NHỮNG NGÔI CHÙA CÓ PHONG CẢNH ĐẸP Ở HUẾ.
CHÙA THIÊN MỤ – NGÔI CỔ TỰ DANH TIẾNG NHẤT Ở ĐẤT CỐ ĐÔ.
Nằm trên ngọn đồi Hà Khê, hướng ra dòng Hương giang thơ mộng, trữ tình. Chùa Thiên Mụ là ngôi cổ tự lâu đời nhất ở cố đô Huế, tuổi đời hơn 400 năm. Đến tham quan chùa bạn có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tháp Phước Duyên – biểu tượng của ngôi chùa. Đại Hồng Chung – quả chuông cổ đẹp nhất và là bảo vật quốc gia. Xe hơi Austin – di vật của cố hòa thượng Thích Quảng Đức. Bạn còn được nghe kể truyền thuyết ra đời của ngôi chùa, tìm hiểu sự thật về những lời nguyền tình yêu vận vào những đôi trai gái từng đến thăm nơi này.
Trong số các ngôi chùa có phong cảnh đẹp ở Huế, chùa Thiên Mụ là thắng cảnh được du khách đánh giá cao nhất.
Địa chỉ: Đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Kim Long, thành phố Huế.
Cảnh chùa Thiên Mụ nhìn từ sông Hương.
CHÙA HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG – NGÔI CHÙA TUYỆT ĐẸP Ở HUẾ.
Huyền Không Sơn Thượng tọa lạc tại thôn Chầm, phường Hương Hồ, Thị xã Hương Trà. Ngôi chùa có vị trí ở lưng chừng núi, mang một vẻ đẹp kỳ ảo khiến du khách đến thăm có cảm giác như bước vào cõi phật. Đặt chân vào khuôn viên chùa bạn sẽ vô cùng choáng ngợp trước khu vườn xanh ngát toàn những giò hoa phong lan quý, những cây sứ, thiên tuế, tùng, bách… Đâu đó vang lên tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo. Khung cảnh thanh bình của chốn cửa phật xua tan những ưu tư phiền muộn, chỉ còn lại cảm giác bình yên thanh thản trong tâm hồn.
Khuôn viên chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Huyền Không Sơn Thượng là một trong những cảnh đẹp ở Huế mà bạn không nên bỏ qua.
Địa chỉ: Thôn Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên – Huế.
CHÙA TỪ ĐÀM.
Chùa Từ Đàm có địa chỉ ở 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế. Đây là ngôi cổ tự được dựng từ cuối thế kỷ thứ 17 bởi thiền sư Minh Hoằng – Tử Dung, người Trung Hoa. Trong quá khứ chùa Từ Đàm gắn liền với nhiều sự kiện phật giáo quan trọng, là trung tâm của phong trào chấn hưng phật giáo miền Trung.
Đến thăm chùa Từ Đàm, ngoài những công trình quen thuộc của một ngôi chùa truyền thống, bạn còn được thấy cội bồ đề rất lớn(nằm bên phải sân chùa) có nguồn từ cây bồ đề ở Bồ Đề Đạo Tràng tại Ấn Độ (tức nơi Phật Thích Ca thành đạo). Hiện nay Chùa là nơi đặt văn phòng ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa chỉ: 01 Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế.
Một góc chùa Từ Đàm. (@yenly0)
CHÙA BÁO QUỐC.
Tọa lạc trên đồi Hàm Long, đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế. Được biết chùa do hòa thượng Giác Phong (người Quảng Đông, Trung Quốc) khai sơn vào thế kỷ 17. Chùa Báo Quốc mang vẻ đẹp rêu phong cổ kính của một ngôi cổ tự có từ lâu đời. Khuôn viên chùa có những hàng cây xanh lâu năm, không khí rất tôn nghiêm tĩnh lặng. Đặc biệt trong chùa có một cái giếng cổ gọi là giếng Hàm Long. Theo truyền thuyết giếng được xây để trấn yểm rồng thiêng, giúp cho quốc thái dân an.
Địa chỉ: Đồi Hàm Long, đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế.
Giếng Hàm Long
CÁC CÔNG TRÌNH LĂNG TẨM.
LĂNG KHẢI ĐỊNH – CÔNG TRÌNH GIAO THOA GIỮA KIẾN TRÚC ĐÔNG – TÂY.
Lăng Khải Định là nơi chôn cất vua Khải Định (1885-1925), tọa lạc ở núi Châu Chữ, thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trong số tất cả các công trình lăng tẩm của vương triều nhà Nguyễn, lăng Khải Định được đánh giá là đẹp, nguy nga nhất. Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương đông và phương tây. Những chi tiết trong lăng mang đặc điểm kiến trúc của Phật giáo, Ấn độ giáo, và Roman. Vật liệu xây dựng được vua Khải Định cho người sang tận nước Pháp xa xôi đem về. Đồ sứ và thủy tinh mà thì mua từ Nhật Bản và Trung Quốc. Đặc biệt lăng có bức bích họa cửu long ẩn vân trên trần nhà, được đánh giá là bức tranh có giá trị nghệ thuật và hoành tráng nhất tại Việt Nam.
Vị trí: Núi Châu Chữ, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Huế.
Mặt tiền lăng vua Khải Định.
Lăng vua Khải Định là cảnh đẹp ở Huế mà bạn phải đến thăm.
LĂNG TỰ ĐỨC.
Nằm ở thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, Thành phố Huế, lăng Tự Đức (hay Khiêm lăng) được xem là kiệt tác kiến trúc cung đình Huế. Lăng là một quần thể gần 50 công trình lớn nhỏ được xây dựng trong một khu vực sơn thủy hữu tình, phía trước có hồ nước rộng, xung quanh cây cối tốt tươi.
Các công trình điểm nhấn trong lăng có thể kể đến như: Điện Hòa Khiêm – nơi vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu. Nhà hát Minh Khiêm – nơi vua xem hát, là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam…
Vị Trí: Thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, Thành phố Huế.
Khung cảnh lăng Tự Đức
LĂNG GIA LONG.
Cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về phía Tây, thuộc thôn Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà. Lăng Gia Long nằm trên ngọn đồi cao nhất trong số 42 ngọn đồi thuộc vùng núi Thiên Thọ. Lăng Gia Long tuy có kiến trúc đơn giản, nhưng lại cuốn hút bởi tọa lạc ở một nơi có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng hữu tình xung quanh có núi, có sông.
Đường vào lăng bạn phải đi qua một con đường nhỏ, quanh co rất đẹp, một bên là hồ sen thơm ngát, bên còn lại là những hàng thông xanh mát, tốt tươi.
Vị trí: Thôn Định Môn, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà
Đường vào lăng Gia Long
Cổng Lăng Gia Long
LĂNG MINH MẠNG – CẢNH ĐẸP Ở HUẾ BẠN PHẢI GHÉ THĂM.
Có thể nói kiến trúc lăng tẩm nhà Nguyễn rất đa dạng, mỗi lăng mang một nét đẹp riêng phản chiếu cá tính của mỗi vị vua. Nếu như lăng Khải Định mang nét phóng khoáng, xa hoa, lăng Tự Đức có nét thi vị, hữu tình của bậc quân vương giỏi thi phú. Thì lăng vua Minh Mạng lại có vẻ uy nghiêm, đường bệ, kiến trúc chuẩn mực, vừa hài hòa với thiên nhiên, lại sâu sắc về mặt tư tưởng. Xứng danh là nơi ai nghỉ của vị vua kiệt xuất nhất vương triều nhà Nguyễn.
Đến tham quan lăng Minh Mạng bạn sẽ được chứng kiến một quần thể cung điện, lâu đài, đình tạ được bố trí trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 mét. Nổi bật nhất là Đại Hồng Môn – cổng chính vào lăng. Điện Sùng Ân – nơi có bài vị của nhà Vua và Hoàng hậu. Hồ Trừng Minh luôn thơm ngát hương hoa sen…
Vị trí: núi Cẩm Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Huế.
Lăng Minh Mạng
NHỮNG BÃI BIỂN ĐẸP Ở HUẾ.
VỊNH LĂNG CÔ – TOP VỊNH BIỂN ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI.
Vịnh lăng Cô thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế hơn 60km, cách Đà Nẵng khoảng 30km. Từ lâu vịnh Lăng Cô nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên thuộc vào loại đẹp nhất Việt Nam. Vịnh nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân hùng vĩ, có bãi cát trắng mịn dài khoảng 10km, nước biển trong xanh tuyệt đẹp. Năm 2009, Vịnh Lăng Cô lọt vào top những vịnh đẹp nhất thế giới do Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới (Worldbays) bình chọn.
Vẻ đẹp của vịnh Lăng Cô. (@pangpangtour123)
Vịnh Lăng Cô là cảnh đẹp ở Huế mà bạn phải ghé thăm khi đi du lịch ở vùng đất cố đô này.
ĐẦM LẬP AN – THIÊN ĐƯỜNG SỐNG ẢO.
Đầm Lập An là một thắng cảnh cực kỳ được yêu thích ở vịnh Lăng Cô. Tọa lạc ngay dưới chân núi Bạch Mã, đầm Lập An có mặt nước phẳng lặng như gương, mang một vẻ đẹp kỳ ảo, thoát tục khiến bất kỳ ai đã từng đặt chân đến đây đều ngẩn ngơ, xao xuyến.
Phong cảnh ở đầm đẹp vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nhưng để có được những khoảnh khắc sống ảo xuất thần, bạn nên đến vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn.

Đầm Lập An là một trong những cảnh đẹp ở Huế không thể bỏ qua. (@thuytiensx)
BIỂN THUẬN AN – BÃI BIỂN CÓ PHONG CẢNH ĐẸP Ở HUẾ.
Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 15km, biển Thuận An được biết đến là một bãi biển thanh bình, còn nhiều nét hoang sơ. Biển từng được vua Thiệu Trị xếp vào danh thắng thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh.
Nếu như bạn muốn tìm nơi nào đó để nghỉ ngơi thư giãn, để đắm mình trong không gian của biển xanh cát trắng, nắng vàng, thì biển Thuận An là một lựa chọn khá lý tưởng.
Xem bản đồ biển Thuận An ở đây.
Bãi biển Thuận An.
Ngoài ra Huế còn có một số bãi biển khác đáng để tham quan như: Biển Cảnh Dương, biển Chân Mây.
NHỮNG CẢNH ĐẸP Ở HUẾ KHÁC.
SÔNG HƯƠNG – NÉT ĐẸP DỊU DÀNG NHƯ NGƯỜI CON GÁI HUẾ.
Dòng sông Hương từ lâu đã trở thành biểu tượng của xứ Huế, đã đi vào biết bao tác phẩm thơ ca, âm nhạc bởi vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình hiếm con sông nào có được. Đến thăm Huế, chỉ một chuyến đi bộ dọc hai bờ sông Hương thôi cũng khiến bạn bồi hồi, thổn thức trước vẻ đẹp dịu dàng, diễm lệ của con sông này.
Trong tất cả các trải nghiệm ở sông Hương, lý thú nhất phải kể đến là đi thuyền rồng dạo chơi trên sông ngắm cảnh thành phố Huế.
Vẻ đẹp của sông Hương
CẦU TRƯỜNG TIỀN – DANH THẮNG TRƯỜNG TỒN THEO THỜI GIAN.
Cây cầu nổi tiếng này được xây dựng vào năm 1905. Trải qua hơn 100 năm với nhiều biến cố lịch sử, nhiều lần bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai, và chiến tranh. Cầu Trường Tiền vẫn còn đó, vững chãi và kiêu hãnh, trở thành niềm tự hào của người dân cố đô. Giờ đây cầu Trường Tiền không chỉ đơn thuần là cây cầu nối đôi bờ Hương giang, mà còn trở thành điểm du lịch cực kỳ thu hút du khách.
ĐỒI VỌNG CẢNH – ĐỊA ĐIỂM NGẮM HOÀNG HÔN HOÀN HẢO.
Nằm bên đường Huyền Trân công chúa. Đồi Vọng Cảnh xưa kia từng là điểm tham quan, vãn cảnh yêu thích của các vua chúa nhà Nguyễn. Đứng ở đồi Vọng Cảnh nhìn ra là dòng sông Hương thơ mộng, phía xa xa có núi đồi trập trùng, cảnh đẹp tựa như một bức tranh.
Thời điểm đẹp nhất để đi đồi Vọng Cảnh là vào bình minh, hay hoàng hôn, khi mà những tia nắng nhẹ chiếu xuống dòng sông, cả bầu trời và mặt nước hòa làm một màu. Khung cảnh thật sự đẹp đến nao lòng.
Đồi Vọng Cảnh chắc chắn là điểm sống ảo tuyệt vời cho các bạn. Một cảnh đẹp ở Huế không thể bỏ qua.
Xem bản đồ đồi Vọng Cảnh ở đây.
ĐIỆN HÒN CHÉN – DI TÍCH TÔN GIÁO ĐỘC ĐÁO.
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng chừng 10 km. Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, làng Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là một quần thể di tích gồm 10 công trình nhỏ, có kiến trúc độc đáo nằm ở lưng chừng sườn núi. Ngoài vẻ độc đáo về kiến trúc, điện Hòn Chén còn được du khách yêu thích bởi cảnh quan thiên nhiên sông, núi nên thơ hữu tình.
Đến đây bạn còn được chứng kiến những lễ hội kết hợp giữa nghi thức cung đình và tín ngưỡng dân gian, giữa văn hóa tâm linh và mê tín dị đoan. Thời điểm khách đến tham quan đông nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7.
Xem bản đồ điện Hòn Chén ở đây.
Những ngày lễ hội ở điện Hòn Chén (@xuan.nhat.925)
CHỢ ĐÔNG BA – ĐIỂM ĂN UỐNG, MUA SẮM THỎA THÍCH.
Chợ Đông Ba là ngôi chợ nổi tiếng nhất ở thành phố Huế. Tọa lạc trên một khu đất có diện tích 15 nghìn mét vuông, kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền.
Phải thừa nhận rằng chợ Đông Ba rộng thênh thang, đi mỏi chân vẫn không hết. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy rất nhiều các sản phẩm đẹp, độc, và lạ. Các mặt hàng được du khách ưa chuộng nhất là vải vóc và quần áo, nón lá, đồ thủ công mỹ nghệ…
Xem bản đồ chợ Đông Ba ở đây.
Chợ Đông Ba Huế
Bạn cũng đừng quên ghé vào khu vực ẩm thực của chợ để thưởng thức những món đặc sản địa phương nhé.
KHU DU LỊCH BẠCH MÃ VILLAGE – CẢNH ĐẸP Ở HUẾ ĐÁNG ĐỂ THAM QUAN.
Nằm giữa một thung lũng xinh đẹp, bao quanh là dãy núi Bạch Mã hùng vĩ. Bạch Mã village được xây dựng dựa trên ý tưởng ngôi làng Hobbit của những người lùn trong bộ phim “chúa tể của những chiếc nhẫn”. Tham quan Bạch Mã village khiến bạn có cảm giác như đang được đặt chân đến những ngôi làng tuyệt đẹp ở Bắc Âu vậy.
Đến đây bạn còn được đắm mình trong những dòng nước suối mát mẻ. Cắm trại qua đêm với hệ thống lều trại đã được dựng sẵn cho bạn sử dụng.
Ngôi làng Hobbit ở Bạch Mã village.
Cắm trại qua đêm ở Bạch Mã Village
Trên đây chúng mình đã giới thiệu với các bạn những cảnh đẹp ở Huế đáng để tham quan nhất. Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ!
Nguồn: my-clownfish