Lăng Minh Mạng với lối kiến trúc mang đậm tư tưởng nho giáo, là một trong những lăng tẩm uy nghi, đường bệ nhất trong hệ thống lăng tẩm các vị vua nhà Nguyễn ở vùng đất cố đô.
VỊ TRÍ LĂNG MINH MẠNG
Lăng Minh Mạng tọa lạc ở núi Cẩm Khê, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, cách thành phố Huế khoảng 12 km. Lăng nằm ở vị trí đắc địa, là nơi có cảnh núi sông hòa quyện, thiên nhiên khoáng đạt. Đây là nơi hai nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch hợp thành sông Hương chảy về cố đô Huế.
LỊCH SỬ RA ĐỜI LĂNG MINH MẠNG
Sau khi vua Gia Long mất vào tháng 2-1820, người con thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi kế nghiệp, lấy niên hiệu là Minh Mạng. Trong 20 trị vì đất nước từ 1820 -1840, kế thừa thành tựu của vua cha, vua Minh Mạng đã tạo nên thời kỳ thịnh trị nhất của vương triều Nguyễn.
Làm vua được bảy năm, Minh Mạng cho người đi tìm đất để xây dựng Sơn Lăng cho mình. Những nhà địa lý tài ba nhất thời bấy giờ cũng tham gia vào công cuộc tìm kiếm. Cuối cùng quan Địa lý Lê Văn Đức đã chọn và trình lên vua một khu đất có địa thế đẹp ở địa phận núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu của hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch để tạo thành con sông Hương hiền hòa, thơ mộng. Thế nhưng phải mất đến 14 năm ròng rã cân nhắc vua Minh Mạng mới quyết định cho xây dựng lăng mộ của mình ở nơi này. Công trình khởi công vào tháng 4 -1840, đích thân vua phê duyệt họa đồ, chú trọng từng khâu để đảm bảo lăng được xây theo đúng ý mình.
Thật không may, chỉ vài tháng sau vua Minh Mạng lâm bệnh và băng hà vào tháng 1-1841. Vua Thiệu Trị lên ngôi, một tháng sau (2-1841) đã tiếp tục cho thi công công trình đang dang dở, theo đúng họa đồ mà vua cha để lại. Một lực lượng nhân công khổng lồ lên đến 10.000 thợ thầy, binh lính được huy động, nhưng cũng phải đến đầu năm 1843 công trình mới hoàn tất.
KIẾN TRÚC CỦA LĂNG MINH MẠNG
Lăng vua Minh Mạng là một quần thể kiến trúc gồm cung điện, lâu đài, hồ nước, vườn hoa được bố trí đối xứng trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700 m. Nhìn từ trên cao, lăng tựa như một người đang nằm nghỉ ngơi, phần đầu gối lên núi Kim Phụng, chân đặt lên ngã ba sông đầy thoải mái, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.
Bố cục kiến trúc đối xứng qua đường Thần đạo thể hiện sự chặt chẽ, quy cũ của xã hội Việt Nam thời Minh Mạng, đồng thời thể hiện tư tưởng dứt khoát, mạnh mẽ của nhà vua.
ĐẠI HỒNG MÔN
Đại Hồng Môn là cánh cửa chính dẫn vào bên trong lăng. Cửa được mở một lần duy nhất, đó là khi đưa thi hài nhà vua vào trong, sau đó bị đóng lại vĩnh viễn. Ngày nay, du khách vào thăm lăng chỉ được đi vào hai cổng phụ là Tả Hồng Môn, Hữu Hồng Môn.
Đại Hồng Môn
BÁI ĐÌNH
Sau Đại Hồng Môn là Bái Đình, một khoảng sân rộng 45 m x 45 m được lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai hàng tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá đứng chầu.
Bái Đình
BI ĐÌNH
Cuối Bái Đình là Bi Đình tọa lạc trên Phụng Thần Sơn, bên trong có bia “Thánh đức thần công” bằng đá Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha.
Bi Đình
SÂN TRIỀU LỄ
Khoảng sân rộng tiếp theo được gọi là sân Triều Lễ, được chia làm bốn bậc lớn nhằm giảm bớt cảm giác choáng ngợp trước vẻ mênh mông của lăng.
Sân Triều Lễ
HIỂN ĐỨC MÔN
Hiển Đức Môn là cổng chính dẫn vào khu vực Tẩm điện của lăng vua Minh Mạng. Khu Tẩm điện được giới hạn trong một vòng thành hình vuông tượng trưng cho thần đất, theo quan niệm dân gian là “trời tròn, đất vuông”.
Hiển Đức Môn
ĐIỆN SÙNG ÂN
Đi qua Hiển Đức Môn là đến điện Sùng Ân, trung tâm của khu Tẩm điện. Trong điện thờ bài vị của vua và bà Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.
Điện Sùng Ân
HOẰNG TRẠCH MÔN
Hoằng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực Tẩm điện. Đi qua Hoằng Trạch Môn sẽ mở ra một không gian bao la, rất đẹp. Trên đoạn đường này du khách ngoài được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc, mỹ thuật độc đáo, còn có thể phóng tầm nhìn ra một không gian bao la núi đồi sông suối.
Hoằng Trạch Môn
MINH LÂU
Từ Hoằng Trạch Môn bước xuống 17 bậc thềm bằng đá, bạn sẽ thấy một hồ nước gọi là hồ Trừng Minh. Ba cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh sẽ đưa bạn đến Minh Lâu. Minh Lâu là một tòa nhà hình vuông, hai tầng, tám mái, tọa lạc trên quả đồi có tên là Tam Tài Sơn. Đây là nơi vua ngồi ngắm cảnh, suy tư vào những đêm hè trăng thanh, gió mát.
Minh Lâu
BỬU THÀNH
Từ sân sau Minh Lâu bạn nhìn thấy một hồ nước gọi là hồ Tân Nguyệt, bắc ngang qua hồ là cây cầu Thông Minh Chính Trực. Đi qua cầu sẽ đến nơi yên nghỉ của nhà vua, nằm giữa tâm một quả đồi mang tên Khải Trạch Sơn, có hình tròn chu vi 270m. Quả đồi được bao quanh bởi một vòng thành gọi là Bửu Thành.
Cầu Thông Minh Chính Trực bắc qua hồ Tân Nguyệt.
THAM QUAN LĂNG MINH MẠNG CÓ CẦN MUA VÉ KHÔNG?
Bạn phải mua vé để được vào tham quan lăng vua Minh Mạng. Vé được bán ở trước cổng. Lăng mở cửa đón khách vào tất cả các thứ trong tuần, kể cả chủ nhật từ 7h cho đến 17h30. Mức giá cụ thể như sau.
Người lớn: 150.000/người
Người cao tuổi: 75.000/ người
Trẻ em: 30.000/người
ĐẾN LĂNG MINH MẠNG BẰNG CÁCH NÀO?
Lăng Minh Mạng cách thành phố Huế 12 km về phía Nam, để đến lăng Minh Mạng bạn có thể di chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau. Nếu di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy, bạn có thể chạy theo quốc lộ 49, qua cầu Tuần bắc qua sông Hương là đến nơi. Hoặc bạn có thể chọn đi thuyền rồng, xuất phát từ trung tâm thành phố Huế, xuôi theo sông Hương đến điểm hợp lưu giữa hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch là tới lăng vua Minh Mạng.